BÀ BẦU ỨNG PHÓ MÙA DỊCH COVID-19: NGƯỜI VỀ NƯỚC SINH CON, KẺ TÌM BỆNH VIỆN AN TOÀN

06.05.2020

PNO - Đầu tháng 4, khi nghe thông tin một tòa nhà ở phường Thảo Điền, quận 2, thông báo phải cách ly vì một phụ nữ 26 tuổi, quốc tịch Anh là bệnh nhân thứ 236 mắc COVID-19, chị N.T.N.L. rất lo lắng vì trước đó chị đã đến làm việc với đối tác tại đây.


Thai phụ nên đến thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa để đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Ảnh do Công ty KBV cung cấp. 

Đi khám thai, trang bị như “ninja” giữa mùa COVID-19

Chị L. đang mang thai 3 tháng. Cách đó vài ngày, chị cùng 3 nhân viên đến tòa nhà này để làm việc với đối tác. Nhưng những người chị gặp đều là đối tượng có tiếp xúc với nữ bệnh nhân 236, nên chị được yêu cầu tự cách ly tại nhà.

Dù được ở nhà, chị L. vẫn lo lắng đến căng thẳng vì đây là lần đầu tiên làm mẹ, thai còn nhỏ, lại rơi vào mùa dịch. Sau khi những người chị tiếp xúc gần chính thức không mắc bệnh, chị mới dám đi siêu âm thai. Khi đi, chị vừa đeo khẩu trang kháng khuẩn, vừa mang kính ngăn giọt bắn, nhưng cũng chưa hết băn khoăn về việc tìm một bệnh viện an toàn để đến khám thai và sinh nở.

Chiều 26/4, Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ cho biết đã thực hiện phẫu thuật lấy thai cấp cứu cho sản phụ N.T.T.Q. (ở quận 11, TP.HCM) đang trong thời gian cách ly tập trung tại Trường Quân sự thành phố Cần Thơ.

Chị Q. kể, do thấy tình hình dịch COVID-19 ở Singapore diễn biến phức tạp nên chị cố gắng về nước để sinh con vì tin tưởng vào tay nghề bác sĩ Việt Nam và an tâm về việc kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng hơn các nước. Hai ngày sau khi về, chị V. có dấu hiệu ối vỡ sớm và được mổ sinh bé trai nặng 3kg khỏe mạnh.

Thai phụ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp… cẩn thận với COVID-19

Bác sĩ CKII Văn Phụng Thống đang tư vấn cho một thai phụ đến khám thai tại phòng khám. Ảnh do TW Groupcung cấp. 

Với hơn 30 năm kinh nghiệm ở lĩnh vực sản phụ khoa, Bác sĩ CKII Văn Phụng Thống – Giám đốc chuyên môn của Bệnh viện TWG - Sản Nhi Long An (nguyên Trưởng khoa Phụ - Nội soi của Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM) chia sẻ: “Với bà bầu, đa số phụ nữ mang thai lỡ nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 có biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ hoặc trung bình (thể bệnh viêm đường hô hấp trên hoặc viêm phổi nhẹ), một số rất ít mắc bệnh thể nặng. Đến nay mới có một phụ nữ mang thai 30 tuần nhiễm COVID-19 được báo cáo ở mức độ nặng phải thở máy, nhưng sau khi mổ lấy thai cấp cứu đã hồi phục sức khỏe tốt. Đối với trường hợp các thai phụ có bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận… cần lưu ý rằng nếu bị nhiễm COVID-19 thì bệnh sẽ nặng và phức tạp hơn”.

Với thai nhi, các nghiên cứu cho thấy chưa có bằng chứng nào chứng minh có mối liên quan giữa COVID-19 với tình trạng sẩy thai hay thai bị các dị tật bẩm sinh do vi rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên, cũng có bằng chứng cho rằng viêm phổi do vi rút ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong chu sinh...

Theo bác sĩ Thống, nếu người mẹ bị sốt khi chưa biết do nguyên nhân gì thì cũng không được tự ý mua thuốc hạ sốt mà phải đến bệnh viện chuyên về sản khoa để thăm khám, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19.

Nếu trẻ sơ sinh được sinh ra từ người mẹ nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 cần được làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh.

Khi đến bệnh viện, thai phụ cần phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định của Bộ Y tế. Ảnh do Công ty KBV cung cấp

 

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/ba-bau-ung-pho-mua-covid-19-nguoi-ve-nuoc-sinh-con-ke-tim-benh-vien-an-toan-a1409717.html

 

7 lưu ý cho thai phụ đến bệnh viện khám thai

- Đeo khẩu trang kháng khuẩn và tới khu vực cách ly.

- Giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa các người bệnh.

- Che mũi miệng khi ho, hắt hơi và rửa tay sát khuẩn theo các bước thường quy ngay sau khi tiếp xúc dịch hô hấp.

- Hạn chế di chuyển trong khu vực của cơ sở y tế.

- Người nhà đi kèm với người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 cần phải được xem như có phơi nhiễm với COVID-19 và cũng phải được tầm soát theo quy định.

- Khi khám thai cần kết hợp tư vấn các biện pháp dự phòng lây nhiễm COVID-19.

- Trường hợp phụ nữ mang thai nghi nhiễm COVID-19 cần được làm xét nghiệm chẩn đoán càng sớm càng tốt; nếu không làm được xét nghiệm khẳng định chẩn đoán COVID-19 thì liên hệ với cơ sở xét nghiệm đã được Bộ Y tế cho phép.